Sự thật về hormone tăng trưởng và cách kích thích cho trẻ thêm cao
Hormone tăng trưởng GH phát triển mạnh nhất trong thời kỳ thơ ấu và giai đoạn dậy thì, vì thế, bố mẹ hãy tận dụng lợi ích của hormone này trong tăng chiều cao cho trẻ càng sớm càng tốt.
Sự tăng trưởng chiều cao của con người là một cơ chế phức tạp phụ thuộc vào các yếu tố di truyền, dinh dưỡng, môi trường và nội tiết tố (hormone). Trong đó, hormone tăng trưởng GH và chất trung gian của nó – yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển chiều cao của trẻ.
Hormone GH tác động tới chiều cao như thế nào?
GH (Growth hormone) được tiết ra từ tuyến yên, là một hormone peptide kích thích sự tăng trưởng của tất cả các mô trong cơ thể, bao gồm xương. Đồng thời, nó cũng góp phần duy trì cấu trúc xương và tham gia vào các quá trình trao đổi chất khác của cơ thể.
Thực tế, GH không trực tiếp tác động lên xương và sụn mà kích thích gan sản xuất một số protein có kích thước nhỏ có tên là IGF-1. Các IGF-1 này sẽ đi tới xương, sụn, cơ, kích thích các cơ quan này tăng sinh, thúc đẩy quá trình tạo xương, gia tăng tỷ lệ tái tạo xương tổng thể, giúp xương chắc khỏe, các đầu xương của trẻ dài ra…
Thời gian hoạt động mạnh nhất của hormone GH là từ 10h đêm đến 3h sáng
Cơ chế này không chỉ giúp xương dài hơn mà còn kéo theo sự phát triển của da, cơ và kích thích tổng hợp protein cho các cấu trúc này. Bên cạnh đó, hormone tăng trưởng cũng làm tăng quá trình trao đổi chất, tăng cường tổng hợp protein ở tất cả tế bào, làm tăng khối lượng cơ, tăng kích thước các phủ tạng, từ đó cơ thể lớn lên.
Vì thế, khi thiếu hormone tăng trưởng GH, trẻ thường phát triển chậm, thấp bé hơn so với bạn bè cùng tuổi. Hệ xương của trẻ cũng không được khỏe mạnh, giảm độ vững chắc vừa khiến chiều cao ảnh hưởng vừa làm xương dễ gãy hơn.
Làm thế nào để kích thích sự sản sinh GH?
Hormone tăng trưởng GH sẽ giảm dần khi con người trưởng thành và già đi, vì thế, hãy tận dụng lợi ích của hormone này trong tăng chiều cao cho trẻ ngay từ thơ bé.
Hormone GH phát triển mạnh nhất trong thời kỳ thơ ấu và dậy thì
Để kích thích cơ thể sản sinh hormone GH, chúng ta cần lưu ý các yếu tố hỗ trợ và các yếu tố gây ức chế việc tiết ra hormone này. Giấc ngủ, dinh dưỡng, hoạt động thể thao là những yếu tố tác động tới sự sản sinh của GH. Dưới đây là 1 số gợi ý mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo:
– Giúp con ngủ ngon: Trên thực tế, quá trình giải phóng hormone tăng trưởng diễn ra trong suốt cả ngày, đặc biệt vào giấc ngủ đêm, GH tiết ra nhiều hơn 4 lần so với lúc thức, đỉnh điểm là trong khoảng thời gian từ 10h đêm đến 3h sáng.
Vì thế, các chuyên gia khuyên rằng, trẻ cần được tập thói quen ngủ sớm trước 10h đêm, hạn chế hoạt động mạnh hoặc ăn quá no trước khi ngủ… để đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt nhất.
GH được tiết ra nhiều nhất trong giấc ngủ sâu về đêm
– Bổ sung vitamin D: Để thúc đẩy hệ xương phát triển, tăng chiều cao, chế độ dinh dưỡng của trẻ cần cung cấp đầy đủ nguyên liệu cho quá trình tạo xương, đó là ưu tiên các thực phẩm giàu canxi, magiê, phospho, vitamin D, vitamin K2…
Những trẻ có nồng độ hormone tăng trưởng thấp thường có lượng vitamin D trong cơ thể thấp. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Genova, Ý đã phát hiện ra rằng vitamin D làm tăng mức GH. Bên cạnh đó, vitamin D cũng làm tăng thụ thể IGF-1, yếu tố có chức năng điều khiển tăng trưởng của cơ thể.
Mặt khác, một số trẻ gặp triệu chứng quấy khóc về đêm, ngủ hay trằn trọc, giật mình, ngủ không ngon giấc do thiếu vitamin D làm ảnh hưởng đến giấc ngủ sâu và việc tăng tiết của hormone tăng trưởng GH. Vì thế, việc bổ sung vitamin D hàng ngày là cần thiết để giúp trẻ ngủ ngon hơn và kích thích các yếu tố tăng trưởng hoạt động tốt hơn.
Vitamin D tác động lớn tới sự tăng tiết của hormone GH
– Tập thể dục thường xuyên: Vận động thể dục thể thao làm tăng đáng kể mức GH trong cơ thể. Xà đơn, tập cuộn người, chạy nước rút, đạp xe, bơi… là những cách tập luyện giúp hormone tăng trưởng tiết ra mạnh nếu được thực hiện kiên trì, đều đặn thường xuyên.
– Hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt: Nên hạn chế lượng đường trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ bởi ăn quá nhiều đường sẽ làm tăng insulin có thể làm giảm hoạt động tiết ra GH.
Ngoài ra, việc ăn nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhanh, chiên rán… có thể làm tăng tình trạng béo phì. Lượng mỡ dư thừa trong cơ thể can thiệp vào quá trình sản xuất hormone tăng trưởng.
(Theo Eva.vn)
Comentarios