Quy tắc “4 ấm, 1 mát” khi chăm sóc trẻ vào ngày đông
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh chưa có khả năng tự điều chỉnh thân nhiệt như người lớn và có thể mất nhiệt qua các bề mặt không được bảo vệ như đầu, tay, chân. Vì thế, bố mẹ cần lưu ý về quy tắc “4 ấm, 1 mát” dưới đây.
Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang trải qua đợt rét kỷ lục, nhiều nơi nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm lạnh và mắc bệnh nếu không được chăm sóc tốt do đây là các đối tượng chưa có khả năng tự điều chỉnh thân nhiệt như người lớn.
Quy tắc “4 ấm, 1 mát”
Theo PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), kiểu thời tiết như hiện nay gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người, nhất là với đối tượng trẻ nhỏ sức đề kháng còn kém rất dễ bị nhiễm bệnh.
BS Dũng chia sẻ quy tắc “4 ấm” là giữ ấm bụng, chân, tay và lưng vì đây là những vùng nhạy cảm. “Bốn ấm” đó chính là: tay ấm, lưng ấm, bụng ấm và bàn chân ấm.
– Bàn tay ấm: Giữ bàn tay con ấm, không bị lạnh, không đổ bồ hôi.
– Lưng ấm: Cũng như bàn tay, lưng trẻ cần được giữ ấm vừa phải vì nếu đổ mồ hơi ở lưng và không được lau kịp thời, mồ hôi sẽ thấm ngược vào trong cơ thể trẻ, dẫn đến nhiễm lạnh. Nếu bố mẹ thấy rằng cổ và lưng của trẻ lạnh, điều đó có nghĩa là con cần được mặc thêm quần áo.
– Bụng ấm: Bụng được giữ ấm sẽ giúp bảo vệ dạ dày của trẻ. Nếu bụng lạnh, dạ dày lạnh sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hoá và hấp thụ thức ăn của con.
– Bàn chân ấm: Bàn chân là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trong cơ thể con yêu, bởi vì dưới bàn chân có rất nhiều mạch và huyệt. Nếu bàn chân không được giữ ấm, trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, người chăm sóc trẻ cần lưu ý giữ ấm đôi bàn chân của trẻ trong những ngày rét kỉ lục này, đi tất cho bé dù ở trong nhà, đi thêm giày khi ra ngoài.
Tay, chân, bụng và lưng là 4 bộ phận cần được lưu ý giữ ấm nhất trên cơ thể.
1 MÁT là: Giữ cho đầu con mát mẻ, thoáng và thoải mái, không nên ủ đầu con quá kín, đặc biệt là khi trẻ đang bị sốt hoặc đi ngủ. Cơ thể sẽ mất nhiệt qua đầu nhiều nếu chúng ta mặc quần áo mà không đội mũ khi trời lạnh. Vì thế, khi đi ra ngoài, bố mẹ nhớ cho con đội một chiếc mũ đủ ấm nhé.
Lưu ý khi mặc quần áo ấm cho con
Một số mẹ thường mặc cho con rất nhiều lớp quần áo khi trời lạnh. Thực tế, nếu mặc quá nhiều quần áo khiến có thể khiến bé bị nóng, ra nhiều mồ hôi, làm nhiễm lạnh ngược và bé dễ viêm phổi. Số áo mà trẻ mặc không nên nhiều quá 4 lớp vì con sẽ rất khó cử động và cảm thấy bí. Ủ nhiều lớp áo khiến con nóng và dễ bị viêm da, ngứa ngáy khó chịu.
Bố mẹ nên mặc cho trẻ nhiều hơn một lớp so với người lớn trong cùng một điều kiện thời tiết và lựa chọn cho trẻ những món đồ co giãn tốt và dễ cởi để có thể linh hoạt điều chỉnh số lớp áo hợp lý.
Đừng quên kiểm tra mồ hơi ở gáy, lưng của trẻ để đảm bảo con mặc đủ ấm, không quá ấm dẫn tới toát mồ hôi thấm ngược lại vào trong cơ thể.
Mẹ nhớ mặc đủ ấm cho con, đừng mặc quá nhiều đồ khiến con khó chịu.
Đừng quên bổ sung nước
Mùa đông trẻ thường lười uống nước. Uống ít nước làm cho lượng máu lưu thông đến thận không đủ, gây ra tình trạng tiểu gắt hay không đi tiểu, từ đó gây tác hại đến chức năng thận. Vì thế, bố mẹ cần tạo thói quen và nhắc nhở con uống đủ nước.
Để đảm bảo sức khỏe cho bé, các mẹ nên cho trẻ uống nước ấm. Nếu con lười uống nước lọc, mẹ có thể thay đổi bằng nước canh, nước luộc rau, nước ép trái cây và ăn các loại quả chứa nhiều nước như cam, dưa hấu…
Giữ ấm an toàn khi ngủ
Với các bé còn quá nhỏ, việc đắp chăn cho con lúc ngủ cần được chú ý vì những lớp chăn nặng có thể gây khó thở hoặc ngạt thở cho trẻ nếu chẳng may chăn chèn lên đường thở.
Vì thế, bố mẹ lưu ý chọn chăn ấm nhưng nhẹ và khi con ngủ cũng nên để ý vì trẻ con rất dễ xoay trở có thể bị lạnh hoặc bị chăn trùm lên đầu.
Tránh đồ ngủ có ruy-băng, dây buộc, đính chuỗi hạt hoặc những chi tiết trang trí khác vì nó có thể quấn cổ bé. Ngoài ra, mẹ cũng tránh mua những bộ đồ ngủ có quá nhiều kim tuyến lấp lánh vì ánh sáng của kim tuyến trong bóng tối có khả năng thu hút côn trùng rất cao.
Lưu ý chăm sóc da
Mùa đông không khí lạnh, khô có thể lấy đi độ ẩm trên da, khiến da trẻ bị nứt nẻ và thô ráp. Khi thấy bất kỳ vùng da nào của trẻ bị khô, mẹ nhớ thoa cho con lượng vừa phải kem dưỡng ẩm để da con bớt tình trạng nứt nẻ nhé.
Việc mặc quá nhiều lớp cũng có thể gây toát mồ hôi, kích ứng da nên mẹ cần mặc đủ ấm thôi nhé.
Thoa kem dưỡng ẩm khi da con bị nẻ
Vệ sinh sạch sẽ
Chính virus sinh sôi nhiều trong mùa đông mới là “thủ phạm” thực sự gây ra tình trạng cảm lạnh, cảm cúm ở trẻ. Người chăm sóc cần thường xuyên cho trẻ rửa tay sạch sẽ với xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước bữa ăn và ngay sau khi đi học, đi chơi về để loại bỏ mầm bệnh. Bản thân những người hay tiếp xúc với trẻ nhỏ cũng nên rửa tay đều đặn.
Bố mẹ nên dạy trẻ hắt hơi vào khăn tay, khăn giấy, tránh xa nguồn bệnh (người đang bị cúm) để phòng con bị lây nhiễm.
Giới hạn thời gian vui chơi ngoài trời của trẻ
Vui chơi vận động ngoài trời rất tốt cho trẻ trong việc tăng khả năng thích nghi với môi trường sống và phát triển thể chất. Tuy nhiên, vào những ngày thời tiết chuyển mùa, rét đậm, rét hại, bố mẹ cần giới hạn thời gian vui chơi ngoài trời để đề phòng cơ thể con bị mất nhiệt. Cũng cần đảm bảo trẻ được làm ấm cơ thể ngay sau khi tham gia các hoạt động này.
Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ
Dinh dưỡng là yếu tố đặc biệt giúp trẻ duy trì sự khỏe mạnh trong suốt mùa đông khắc nghiệt. Mùa đông, hệ miễn dịch của trẻ thường bị suy yếu do điều kiện thời tiết, vì vậy cha mẹ nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch như súp lơ xanh, ớt chuông đỏ, tỏi, gừng, rau chân vịt, hải sản giáp xác, sữa chua và các loại trái cây thuộc chi cam chanh (bưởi, cam, quýt, chanh, cam canh). Cho con ăn đầy đủ 4 nhóm chất gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Sự đa dạng trong bữa ăn vừa giúp con có nhiều dinh dưỡng vừa hứng thú hơn trong bữa ăn. Lưu ý nên cho con ăn uống các thức ăn, nước uống ấm, dễ tiêu. Không nên cho trẻ uống nước lạnh hay nước đá, dễ gây viêm họng.
*Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh *Tác dụng có thể khác nhau tùy cơ địa của người dùng.
Comentários